Chuyến đi không hẹn ngày về của Trần Đặng Đăng Khoa

Cập nhật lúc: 10:31 24/10/2017

Đã hơn 500 ngày kể từ khi Trần Đặng Đăng Khoa tạm biệt gia đình ở Tiền Giang để bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới bằng xe máy. Anh gọi đó là chuyến đi "không hẹn ngày về", dù ban đầu dự tính kéo dài khoảng hai năm.

Trước chuyến đi để đời

Với Đăng Khoa "chuyến đi không hẹn ngày về" có nghĩa là cho phép bản thân tự do phiêu lưu khắp nơi, hết nước này đến nước khác. Vì thế giới quá rộng lớn, anh sợ sau này không có cơ hội nữa.

Khi biết Khoa đi vòng quanh thế giới bằng xe máy, nhiều người gọi hành trình đó là "điên rồ, không tưởng". "Thằng Khoa ước mơ viển vông, để coi nó đi được bao xa rồi lại phải quay về", anh thường không bình luận khi đọc những điều tương tự. Ít ai biết rằng, Khoa đã dành hơn 20 năm để nuôi dưỡng ước mơ và chuẩn bị cho chuyến đi để đời.

Giấc mơ đi xe máy vòng quanh thế giới của Trần Đặng Đăng Khoa được nhen nhóm từ tấm bản đồ cha tặng ngày bé. Ảnh: NVCC.

Giấc mơ đi xe máy vòng quanh thế giới của Trần Đặng Đăng Khoa được nhen nhóm từ tấm bản đồ cha tặng ngày bé. Ảnh: NVCC.

Từ 2009, Khoa bắt đầu những chuyến phượt cùng bạn bè, qua đó rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng như chạy xe khi thời tiết xấu, sửa xe, xử lý tai nạn, chuẩn bị giấy tờ. Sau chuyến xuyên Việt bằng xe máy Tết 2015, Khoa tiếp tục hành trình đi xe máy qua 7 nước Đông Nam Á. Đây là bước ngoặt quan trọng cho chuyến đi lớn hai năm sau đó.

"Tôi đã nhiều lần phải dời ngày xuất phát sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, bạn chỉ nên bắt đầu khi đã thật sự sẵn sàng", anh nhớ lại. Thậm chí thời điểm khởi hành (ngày 1/6/2017) Khoa cho rằng cũng không phải lựa chọn tốt nhất, vì theo hành trình vạch ra, anh sẽ trải qua đỉnh mùa hè ở vùng Iran, Pakistan và đỉnh mùa đông ở châu Âu lạnh giá. Thế nhưng, anh không cho phép bản thân dời chuyến đi thêm nữa.

Hành trang của chuyến đi lớn

"Bạn đồng hành" của Khoa trong chuyến đi vòng quanh thế giới là chiếc xe Wave đời 2008. Nhiều người khuyên đổi xe mới nhưng Khoa không chịu. "Đây là chiếc xe đầu tiên tôi mua, cùng tôi đi qua bao thăng trầm và dù có chuyện xảy ra thì nó vẫn đưa tôi về an toàn". Chàng trai sinh năm 1987 cho biết, anh đã bỏ ra hơn 11 triệu đồng để nâng cấp phụ tùng và sửa chữa máy móc. 

Khó khăn lớn nhất trong quá trình chuẩn bị của Khoa là visa và giấy thông hành xe máy quốc tế (Carnet De Passage). Ước mơ tưởng chừng phải bỏ dở vì Việt Nam chưa thể cấp loại giấy này. Sau đó Khoa tìm đến sự hỗ trợ của bạn bè và bất ngờ nhận được cái gật đầu từ nhà chức trách Malaysia trước Tết Âm lịch 2017.

Campuchia là điểm dừng chân đầu tiên của Khoa trên hành trình vòng quanh thế giới. Ảnh: VNCC.

Campuchia là điểm dừng chân đầu tiên của Khoa trên hành trình vòng quanh thế giới. Ảnh: NVCC.

Đăng Khoa phải chạy nước rút cho tất cả giấy tờ còn lại trong 2 tháng. Trước đó, Khoa được hỗ trợ xin visa châu Âu cho phép xuất nhập cảnh nhiều lần trong 2 năm. 

Với visa Ấn Độ, Khoa trực tiếp đến xin tại Tổng lãnh sự quán nước này. Ban đầu, các nhân viên ở đây khá bất ngờ vì anh không có vé máy bay, khách sạn... đặt trước. Nhưng với sự nghiêm túc và quyết tâm của mình, Khoa đã nhận được sự đồng ý từ lãnh sự quán Ấn Độ. Tương tự, quá trình xin visa Pakistan của Đăng Khoa cũng được giúp đỡ nhiệt tình từ Tham tán nước này. 

Một số nước châu Á còn lại như Iran, Azerbaijan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ... cho phép đăng ký e-visa (thị thực điện tử). Khoa cũng dự định xin visa theo hình thức "cuốn chiếu" để đảm bảo hành trình suôn sẻ: xin visa Iran từ Pakistan, xin visa Argentina và các nước Nam Mỹ từ Pháp.

Trước chuyến đi, Khoa dự tính toàn bộ chi phí khoảng 45.000 USD (khoảng một tỷ đồng). Nếu không được tài trợ, anh sẽ cắt giảm chi phí.

"Nhiều khi nghĩ cũng liều, tôi chỉ biết mỗi vá bánh xe, thay bugi, tháo lắp gương chiếu hậu và... rửa xe, ấy vậy mà vẫn đi. Mỗi lần có vấn đề, tôi phải nhắn tin qua Facebook, nhờ đến sự hỗ trợ của một người bạn ở nhà", Khoa chia sẻ.

Chặng đầu tiên chinh phục thế giới

Ngày đầu, Khoa đi theo hướng cửa khẩu Mộc Bài để đến thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Trước đây Đăng Khoa đã nhiều lần tới thăm quốc gia láng giềng. Anh quyết định đi thẳng đến Phnom Penh, qua Kampong Cham, Pursat và Battambang để đến cửa khẩu Poipet sang Thái Lan. Ngay tại đây, Khoa đã phải làm thủ tục với chi phí 12 triệu đồng, bằng giá trị của chiếc xe máy để đưa được xe vào đất Thái Lan.

Theo lịch trình, Trần Đặng Đăng Khoa bay sang Nepal (để kịp hạn visa) rồi đi qua Ấn Độ - Pakistan - Iran - Azerbaijan - Georgia - Bulgaria - Hy Lạp - Albania - Montenegro - Bosnia & Herzegovina - Croatia - Italy - Thụy Sĩ - Lichtenstein - Áo - Đức - Luxembourg - Pháp.

Từ Paris Khoa sang Bỉ, Hà Lan, Đức, lên Đan Mạch sau đó tới cảng Hamburg để làm thủ tục ship xe và bay sang Chile. Sau đó anh bắt đầu hành trình khám phá châu Mỹ. Dự kiến anh sẽ sang Australia, về Đông Nam Á và kết thúc hành trình ở Việt Nam.

"Đã có rất nhiều người đi vòng quanh thế giới bằng xe máy, từ người châu Âu cho đến người Đông Nam Á. Và giờ, có lẽ đã đến thời khắc của người Việt Nam. Hãy theo đuổi và chiến đấu cho giấc mơ của mình và những gì mình tin là đúng đắn. Đừng bỏ cuộc, vì mình chỉ sống một lần mà thôi", Trần Đặng Đăng Khoa nói về lý do anh lên đường.